Lượt xem: 474

Kế Sách tích cực ứng phó hạn, xâm nhập mặn

Theo dự báo của ngành chuyên môn, tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm nay có thể sẽ gay gắt hơn năm 2016. Ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương và bà con nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kế Sách đã và đang tích cực ứng phó hạn mặn bảo vệ sản xuất nông nghiệp từ rất sớm.

    Trong tháng 8-2019, các đơn vị trong ngành Nông nghiệp đã triển khai các lớp tập huấn về nâng cao năng lực ứng phó hạn, mặn đối với 6 địa phương thường bị ảnh hưởng do mặn nhiều nhất gồm các xã: Nhơn Mỹ, An Mỹ, Thới An Hội, An Lạc Tây, Kế Thành và thị trấn Kế Sách. Trong đó, đối với cây lúa đã lưu ý các địa phương và bà con nông dân tuân thủ về lịch thời vụ, cơ cấu giống ngắn ngày, chống chịu mặn trong vụ lúa Đông Xuân sớm để thích ứng với điều kiện mặn xâm nhập sớm; đối với vườn cây ăn trái, ngành chuyên môn khuyến cáo nhà vườn nạo vét mương vườn để tăng khả năng chứa nước, tu sửa cống, bọng, bờ bao chủ động giữ ngọt, ngăn mặn và chuẩn bị vật liệu che phủ liếp vườn để giảm sự bốc thoát hơi nước trong vườn cây. Đồng thời, cảnh báo về mặn và các biện pháp ứng phó hạn, mặn cũng được lồng ghép trong các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ thuộc Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản, cuộc họp lệ của Tổ hợp tác, Hợp tác xã… nhằm thông tin tuyên truyền rộng rãi đến người dân về tình hình hạn mặn và cách ứng phó.

Kiểm tra hệ thống tưới thông minh. Ảnh Bá Quan

    Đến tháng 12-2019 công tác đo mặn (cố định, lưu động và 2 trạm quan trắc) và thông tin diễn biến xâm nhập mặn được tiến hành đồng thời với việc thành lập các nhóm nhân viên kỹ thuật xuống hỗ trợ các địa phương trong công tác kiểm tra hệ thống cống, bọng, bờ bao, đê đập để kịp thời sửa chữa, gia cố nhằm đủ điều kiện ngăn mặn, giữ ngọt.

    Đặc biệt, thông tin về mặn được cập nhật kịp thời và phổ biến đến rộng rãi đến nông dân thông qua nhiều hình thức như: Tin nhắn, nhóm zalo, đài truyền thanh huyện, thông tin lưu động của xã… để nông dân có thể chủ động lấy nước, ngăn mặn kịp thời và có biện pháp chăm sóc cây trồng, vật nuôi phù hợp.

    Ngành Nông nghiệp cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho nhà vườn lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm (vay vốn ưu đãi theo Quyết định 680/2013/QĐ-TTg, tham gia mô hình thuộc Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản, đăng ký đồng hồ điện phục vụ sản xuất nông nghiệp) để tiết kiệm nước tưới và công lao động.

    Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó, nên đến nay dù đã trải qua hơn 2 tháng bị xâm nhập mặn nhưng vụ lúa Đông Xuân sớm được thu hoạch trọn vẹn, không bị thiệt hại, vụ lúa Đông Xuân muộn diện tích bị thiệt hại chỉ chiếm 2,64% (279,5 ha/10.582 ha) diện tích gieo trồng; trên cây ăn trái, chăn nuôi và thủy sản hiện chưa ghi nhận thiệt hại. Tuy nhiên, huyện Kế Sách thuộc vùng dự án thủy lợi hở, chỉ khép kín từng khu vực có quy mô 30-50 ha nên khả năng trữ nước trong kênh thủy lợi không nhiều. Trường hợp xâm nhập mặn gay gắt kéo dài, thiếu nước ngọt xảy ra liên tục sẽ ảnh hưởng đến cây lúa vào giai đoạn cuối và vườn cây ăn trái. Do đó, huyện đã đề xuất Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư hệ thống cống ngăn mặn trên một số kinh chính như: Kinh số I (Rạch Mọp), Cái Trưng, Rạch Vọp… để việc ngăn mặn, giữ ngọt hiệu quả và bền vững hơn.

    Trong thời gian chờ được đầu tư các công trình thủy lợi khép kín; các giải pháp được đưa ra tại đây là tiếp tục chuyển đổi lịch mùa vụ, cơ cấu giống cây chịu mặn, nạo vét kênh mương, đào ao trữ nước trong vườn cây ăn trái và áp dụng biện pháp canh tác phù hợp, nhằm giảm thiểu thiệt hại do mặn gây ra đối với sản xuất nông nghiệp./.
Vũ Bá Quan


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 78
  • Hôm nay: 7643
  • Trong tuần: 78,350
  • Tất cả: 11,801,670